Kỹ Thuật Trồng Chôm Chôm
Cập nhật lúc: 23/11/2019
Chôm chôm là cây ra hoa nhiều, song tỉ lệ hoa thụ rất thấp, tỉ lệ quả chỉ từ 1 đến 3%. Sự thúi (hư) quả xảy ra nặng trong 3 tuần đầu khi thụ tinh và nhẹ hơn trước khi quả chín. Có lẽ nguyên nhân chính là thiếu dinh dưỡng (thiếu phân). Bầu noãn của hoa chôm chôm có hai tâm bì (lá noãn), nhưng thông thường chỉ có một tâm bì phát triển thành quả (hiếm khi cả hai phát triển thành quả). Thời gian phát triển mất từ 13 tới 16 tuần lễ. Tỉ lệ phần thịt quả tăng nhanh từ tuần lễ thứ 9 cho tới tuần lễ thứ 13 và chậm hẳn từ tuần lễ thứ 13 tới tuần lễ thứ 16 (lúc thu hoạch). Tại Thái Lan người ta cho rằng các yếu tố tiền thu hoạch sẽ ảnh hưởng tới chất lượng chôm chôm hậu thu hoạch. Đó là: Yếu tố khí hậu, biện pháp canh tác và phun hóa chất. YẾU TỐ KHÍ HẬU - ánh sáng có ảnh hưởng tới sự chuyển biến màu của vỏ quả, tức là sự chuyển biến của sắc tố anthocyanins. Quả ở ngoài sáng đỏ tươi, đẹp hơn quả trong bóng rợp. - Lượng mưa và độ ẩm rất quan trọng nhất là trong thời gian quả phát triển cần nhiều nước. Những quả nhỏ khi chín thường là kết quả của sự thiếu nước trong những tuần lễ đầu của quá trình phát triển quả. Như vậy nếu làm quả ra sớm, nghĩa là phần đầu của quá trình phát triển nằm trong mùa nắng thì vườn cần được tưới nước. Ngược lại mưa thất thường vào đầu mùa mưa làm cho quả dễ bị nứt vì lúc này ruột quả phát triển quá mạnh so với phần vỏ. Theo ghi nhận của nhiều nhà làm vườn tại Thái Lan có những năm tỉ lệ nứt quả trên giống chôm chôm nổi tiếng vỏ mỏng (rongrien) lên đến trên 50%. Mỗi quả chôm chôm có độ 400 cái râu (lông), trên mỗi râu có nhiều khẩu bào làm thoát hơi nước mạnh, vì thế hễ ẩm độ không khí thấp sẽ làm các râu queo lại, chuyển qua màu nâu đen, kém chất lượng. CÁC BIỆN PHÁP CANH TÁC Hai biện pháp quan trọng là bón phân và tưới nước: - Bón phân: cần bón đầy đủ và cân đối, lượng phân và tỉ lệ các loại phân thay đổi theo tính chất của đất, độ lớn của cây và sản lượng cây. Khảo cứu của các tác giả Thái Lan cho biết trong thời kỳ cây tăng trưởng (kiến thiết cơ bản) cần bón N-P-K theo công thức 16-16-16. Trong thời kỳ thu hoạch theo tỉ lệ N-P-K là 12-12-17 và trong khi nuôi quả là 13-13-21. Cần bón từ 2 đến 3 lần mỗi năm, lượng phân tăng mỗi năm 0,5 kg. So với cách bón phân tại nước ta thì bà con ta chú trọng nhiều vào phân đạm hơn các loại phân khác. - Sự tưới nước thất thường sẽ dẫn đến các hiện tượng sau: + Quả không đồng đều, lúc thiếu nước quả nhỏ hơn bình thường. + Quả có thể bị nứt, nhất là giai đoạn đầu của quá trình phát triển quả đã phát triển xong phần vỏ ở thời kỳ thiếu nước tiếp theo là giai đoạn phát triển ruột quả ở thời kỳ thiếu nước khiến phàn ruột phình ra, vỏ bị tức nên nứt toạc ra, hiện tượng này cũng gặp nhiều loại trái như chuối, cam, mít... Hiện nay ở một số nước, biện pháp tưới nước nhỏ giọt được coi là lý tưởng vì giữ độ ẩm điều hoà hơn, đỡ tốn nước (trường hợp Long Khánh), kiểm soát phân tốt hơn...
PHUN HOÁ CHẤT
-Thuốc trừ sâu bệnh: quả chôm chôm hay bị sâu đục quả, ruồi đục quả, và giống như nhiều vùng trồng chôm chôm khác trên thế giới là bị bệnh phấn trắng nghiêm trọng, tại Long Khánh bà con gọi là bệnh "râu kẽm". Chùm quả bị nhiễm bệnh sẽ bị rụng hoặc còi cọc như vậy cần sử dụng thuốc trừ nấm để phun lên quả ngay ở giai đoạn còn non.
- Chống hiện tượng quả bi: Các chất điều hòa tăng trưởng được dùng khá phổ biến ở Thái Lan trên cây chôm chôm (ở nước ta vùng trồng sơ ri ở Gò Công Đông đã dùng nhiều). Có hai loại bông được sinh ra trên các cây khác nhau: Bông đực và bông lưỡng tính.Vì bông đực không thể cho quả nên các người trồng tỉa có khuynh hướng loại bỏ cây đực qua công việc chọn giống, ghép cây... Điều này dẫn đến không đủ nguồn hạt phấn để thụ cho các hoa lưỡng tính. Trong một số trường hợp hiện tượng quả điếc, hay còn gọi là "quả bi" xuất hiện những quả này có rất ít thịt. Để khắc phục hiện tượng này tại một số vùng trồng tại Thái Lan người ta phun chất NAA (naphthalene acetic acid). Nồng độ biến động từ 40-160 mg/lít (40-160 ppm) phun ở giai đoạn nụ trước khi bông nở. Khi quả đã thụ rồi để tăng kích thước quả cho chôm chôm rongrien, người ta lại phun NAA ở nồng độ 125 ppm (125 mg/l), nếu dùng đặc hơn quả sẽ bị nhỏ lại.
XỬ LÝ RA HOA
Chôm chôm cũng phải tỉa cành như nhãn: sau mỗi mùa thu hoạch tỉa bỏ các cành đã mang trái bằng cách bấm sâu vào các cành này vì chúng đã kiệt nhựa để cành mới sinh ra. Tất cả các cành bệnh, cành vượt, cành khuất trong tán nên tỉa bỏ. Sau đó bón phân căn bản để cây mau tích lũy lại các chất dự trữ trong thân càng sớm, như vậy khi xử lý ra hoa mới có hiệu quả. Một số biện pháp xử lý ra hoa thông thường đã được một số nơi áp dụng như sau: xiết nước vào đầu mùa khô từ 3-6 tuần tùy độ lớn, sức sinh trưởng của cây và đặc điểm của đất, sau đó bón phân nhử (bón ít) và tưới nhử (tưới ít) vài ngày trước khi bón đậm, tưới đậm và đều trở lại, cây sẽ ra hoa sớm hơn bình thường. Một số nhà vườn còn làm thêm việc khoanh vỏ. Sự khoanh vỏ nên làm thận trọng vì khi mạch bị chận lại, hệ thống rễ sẽ thiếu dinh dưỡng, nếu lạm dụng thái quá cây có thể chết. Cây chôm chôm Cây chôm chôm là cây có kích thước trung bình. Lá kép 1-4 cặp lá chét. Hoa thành chùy thường lài hơn lá. Quả dạng bầu dục, áo hạt dày bao trọn hạt, dính hay hơi tróc. Áo hạt có vị chua ngọt, thơm dễ chịu. Có hoa tháng 3, có quả tháng 5-7. Cây chôm chôm được phân bố ở nhiều nước: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Philippinnes, Việt Nam. Ở nước ta cây chôm chôm được trồng nhiều ở miền Nam, chủ yếu ở các tỉnh Nam bộ, ít trồng ở phía Bắc. Ở Ninh Thuận, cây chôm chôm nhân dân còn ít trồng, chỉ có ở xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) đã trồng được 15-20 ha chôm chôm. Đặc biệt do thổ nhưỡng và thời tiết nên chôm chôm Lâm Sơn giòn, ngọt thanh, không dính. Vì vậy mà giá chôm chôm Lâm Sơn thường cao hơn chôm chôm Nam bộ từ 1,5 đến 2 lần. Nếu chôm chôm Nam bộ giá 2000đ/kg thì chôm chôm Lâm Sơn giá 3000đ - 4000đ. Thành phần hóa học cây chôm chôm: Hạt chôm chôm chứa 35-40% chất dầu béo đặc, có cấu trúc của hạt ca cao, có mùi dễ chịu, gồm phần lớn là arachidin, cùng với olein và stearin. Vỏ quả chứa tanin và một saponin độc. Vỏ cây và quả xanh có chứa tanin. Công dụng của cây chôm chôm: Người ta dùng áo hạt để ăn, bổ, giải nhiệt. Dầu hạt được dùng làm xà phòng, làm nến thắp. Quả xanh và vỏ quả được dùng trị ỉa chảy và kiết lỵ. Cũng dùng trị sốt rét, trị giun. Liều dùng 20-40g dạng thuốc sắc. Ở Malaysia người ta dùng vỏ cây trị bệnh về lưỡi. Trồng chôm chôm mỗi năm mỗi hecta có thể thu được 25 triệu đồng. Bón phân cho cây chôm chôm Share Facebook Chôm chôm có nhu cầu cao đối với N và K. Khi thiếu K cây bị bệnh khô cháy đầu lá.
Bón phân cho chôm chôm như sau:
- Năm thứ nhất: Lượng bón cho một gốc: 50g N+ 250g K2O( 100g urê+40g KCl). Chia làm 2 lần bón vào tháng thứ 1 và tháng thứ 6 sau khi trồng.
- Năm thứ 2: lượng bón cho một gốc: 100g N+50g K2O (200g urê+80g KCl). Chia làm 2 lần để bón vào đầu và cuối mùa mưa.
- Năm thứ 3: cây bắt đầu cho quả. Lượng bón cho một cây là: 500g phân NPK theo tỷ lệ 2:1:2. Chia ra bón 2 lần vào trước ra hoa và sau khi thu hoạch.
- Năm thứ 4: Lượng phân tăng so với lần trước 0,5-1,0 kg/cây. Giữ nguyên tỷ lệ NPK là 2:1:2. Chia thành 4 lần để bón:
+ Lần 1: sau khi thu hoạch quả. Tiến hành tỉa cành. Bón toàn bộ lân+1/3N và 1/3 K2O.
+ Lần 2: trước khi nở hoa: bón 1/3N.
+ Lần 3: khi quả có đường kính 1-2cm. Bón 1/3 N và 1/3 K2O.
+ Lần 4: trước khi thu hoạch 1 tháng: Bón 1/3 kali.
- Những năm sau để đảm bảo cây cho quả ổn định, lượng phân bón được tăng dần lên:2-3kg NPK cho một cây trong 1 năm và 10-30kg phân chuồng.
Với năng suất 7,3 tấn/ha quả, chôm chôm lấy đi từ đất : 1,5kg N, 2kg P2O5 ; 11,7kg K2O; 5,9kg Ca; 2,7kg Mg trên 1ha. Vì vậy, cần thiết bón phân hàng năm cho chôm chôm để đảm bảo giữ năng suất quả ổn định trong nhiều năm. Chôm chôm ra hoa, ra trái nghịch vụ 2 vấn đề lưu ý khi cho chôm chôm ra trái vụ nghịch Một số nhà vườn chuyên trồng chôm chôm ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) và Long Hồ (Vĩnh Long) những năm gần đây dùng nilon để đậy gốc chôm chôm kết hợp với siết nước ở mương vườn trong mùa mưa để cây cho trái mùa nghịch đã bị thất bại không chỉ một mùa. Tuy vậy, không phải ai cũng biết lý do dù sách vở, tài liệu có đủ.
Theo các nhà vườn, chôm chôm là cây “chịu đau”, tức là thích được tỉa cành mạnh tay sau khi thu hoạch trái và sẽ cho bông vụ kế tiếp sau khi ra đọt trả lại tàn lần thứ ba.
Từ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, biết được đặc tính này của cây chôm chôm, sau khi chăm sóc cho cây lấy lại sức và cho cơi đọt thứ 3 xong, một số nhà vườn có kinh nghiệm đã đậy bộng không cho nước vào vườn khiến cây bị khô hạn tạm thời một thời gian (tùy vườn cây còn tơ hay cây đã lớn mà thời gian này dài hay ngắn), tạo điều kiện thuận lợi để cây ra bông sớm. Khi cây ra bông và đậu trái đều toàn vườn họ mới cho nước vào vườn bắt đầu thực hiện việc chăm sóc trái non. Thời gian đó, việc siết nước vườn cây như thế là “bí quyết” cạnh tranh của các nhà vườn chôm chôm. Những ai biết làm như thế (kiệt nước vườn đúng lúc), vườn chôm chôm sẽ cho trái sớm khoảng 1 tháng so với vườn để cây ra trái tự nhiên và tức nhiên sẽ bán được giá cao, Trong những năm này, các vùng trồng chôm chôm trong tỉnh, sau khi siết nước và thấy cây chôm chôm bắt đầu kết bông (cuối mùa khô đầu mùa mưa), ai cũng muốn nín thở khi thấy trời chuyển mưa, còn bị mưa lớn liên tiếp 2- 3 đám thì kể như công siết nước trở thành công dã tràng. Cây càng sung sẽ ra đọt càng dữ, mà khi cây đã ra đọt thì bông đã có rụng hết, vụ trái sớm trở thành vụ trái muộn, may lắm là vụ bình thường… Không chịu thua thiên nhiên, nắm chắc các đặc tính của cây chôm chôm và quá trình làm cây cho trái sớm nói trên, anh Đồng, một nhà vườn trẻ tuổi ở Bình Hòa Phước với sự giúp đỡ của một số nhà chuyên môn ở Trường Đại học Cần Thơ đã thử “cãi trời”. Khi cây chôm chôm hội đủ điều kiện cho bông, dù đang trong mùa mưa, anh dùng nilon đậy cả liếp vườn kết hợp với việc bơm tát nước dưới mương tích cực làm cho vườn cây khô hạn cục bộ. Sau đó khoảng hơn 1 tháng (tùy tình trạng kết nụ bông của vườn cây), thực hiện việc cho nước vào vườn “sốc nước” cho cây. Cả vườn đồng loạt ra bông thì lại siết nước cho cây đậu trái. Kỹ thuật này sau đó được các nhà vườn và các nhà khoa học hoàn thiện thêm, nhưng cũng có thể nói sự thành công của anh Đồng là một trong những điểm sáng khởi đầu của phong trào cho cây trồng ra trái theo ý muốn. Hiện nay, kỹ thuật đậy chôm chôm để cho trái mùa nghịch được phổ biến khá đầy đủ trên các phương tiện truyền thông và ở các tài liệu khuyến nông. Tuy nhiên, vẫn có một số nhà vườn bước đầu áp dụng bị thất bại do chưa nắm thật kỹ 2 vấn đề chủ quan có tính quyết định sau (tức nhiên loại bỏ yếu tố thiên tai hay cây chưa hội đủ điều kiện cho trái): Một là: “Sốc nước” cho ra sốc nước, trong thời gian làm khô hạn tạm thời vườn cây, việc kiệt nước trong mương vườn phải đảm bảo. Khi đến thời điểm cho nước vào vườn, tạo nên một cú “sốc” sinh lý cho cây để cây chuyển mình cho bông. Nhà vườn phải chú ý cho nước ngập vườn, nếu không đủ nước phải bơm thêm vào vì nếu thiếu nước thì phản ứng sinh lý của cây, xảy ra không tốt cây, không cho nụ bông đều trong vườn. Hai là: “Thương” cây cho đúng, các nhà vườn thường thất bại chủ yếu là do khâu này. Khi kiệt nước lại để cây làm bông và đậu trái, chủ vườn thấy cây bị khô héo cảm thấy đau lòng nên tốc nilon tưới nước sớm khi cây chưa đậu trái đầy đủ. Nhà vườn nên nhớ khi cây bị khô hạn có nước vào thì những cành có mầm bông sẽ nhú bông, nhưng những cành chưa kịp có mầm bông sẽ cho ra đọt mà đọt phát triển càng mạnh thì càng làm hoa rụng đi. Xử lý cây chôm chôm ra hoa nghịch vụ Nhiều năm trở lại đây, tình hình thu hoạch chôm chôm mùa thuận thường xuyên hay bị điệp khúc "được mùa, rớt giá" vì trùng dịp vào mùa với chôm chôm vùng Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) và trái vải Bắc Giang, cho nên một số nhà vườn xã Tân Phong đã mạnh dạn chuyển đổi cách làm để tăng thu nhập kinh tế cho gia đình, đó là mô hình xử lý chôm chôm ra hoa nghịch vụ.
Hiện nay, thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho nhà vườn xã Tân Phong thực hiện mô hình này. Hàng năm, vào khoảng tháng 6, tháng 7 âm lịch, sau khi quan sát khắp khu vườn thấy khoảng 90% số cây đã ra đọt từ 2-3 lần, khi lá ngã sang màu lụa là bắt đầu dùng ni lon làm màng phủ. Trước khi phủ, phải vét mương vườn cho sâu hơn bình thường , để tránh nước ứ lại ngập rễ là không tốt, phải đảm bảo mương khô cách mặt liếp từ 1 - 1,2m. Sau đó, sử dụng nilon làm màng phủ xung quanh gốc (tùy theo liếp đất lớn nhỏ, lựa nilon loại có kích cỡ phù hợp), khi làm kéo nilon tạo thành hình quả núi, tức ôm theo gốc sao cho độ cao cách mặt đất khoảng 1m, còn hai bên hạ thấp để khi có mưa nước dễ chảy xuống mương. Giữa những tấm nilon liền mí, cần nối với nhau bằng cách dùng kim khâu lại không nên để hở, còn khi nối giữa hai liếp với nhau, dùng dây nilon cột chặt vào màng phủ, chia nhiều đoạn cho đều để tạo độ phẳng phiu (không bị đùn), nước mưa dễ chảy. Lưu ý, khi có mưa to, mương đầy nước, phải dùng máy bơm ra kịp thời tránh nước đọng làm ngập rễ, nếu không làm được bước này thì xem như công dã tràng... vì rễ được hút quá nhiều nước, lúc đó cây chỉ ra đọt, không thể trổ hoa.
Theo một số nhà vườn đã từng thực hiện mô hình này cho biết, từ ngày phủ nilon cho đến lúc ra hoa khoảng 50 - 60 ngày, tùy theo thời tiết. Khi thấy chôm chôm ra hoa tương đối nhiều và đạt từ 70 - 80% thì dỡ nilon (số nilon này cần xếp lại cho kỹ có thể dùng được 3 mùa). Lúc đó cho nước vào mương, tưới xung quanh gốc tạo độ ẩm khi cây đã ra hoa, vì thiếu nước sẽ làm cho hoa rụng, đậu trái ít. Từ lúc ra hoa đến đậu trái khoảng 20-25 ngày và từ khi đậu trái cho đến thu hoạch khoảng 100 ngày, vụ nghịch thường vào tháng 11,12 âm lịch tất cả có như ý muốn hay không còn tùy thuộc vào cách chăm sóc của mỗi người. Kinh nghiệm dân gian ở đây là khi bà con nuôi đọt thì sử dụng phân lân và kali, nuôi hoa sử dụng kali và đạm ,còn nuôi trái sử dụng đạm, lân, tăng kali và cho thêm phân bón lá cao cấp để tạo trái to và màu rất đẹp. Mặc dù, mô hình xử lý chôm chôm ra hoa nghịch vụ cho sản lượng thấp, tối đa chỉ đạt được khoảng 80% so với mùa thuận, nhưng về giá cả thì cao gấp 3-4 lần. Do đó ,đã có một số nhà vườn đạt hiệu quả kinh tế rất cao và cách làm này được bà con học hỏi, trao đổi lẫn nhau rộng khắp địa bàn. Chính vì thế ,năm 2009 có gần 50% diện tích chôm chôm được áp dụng theo mô hình xử lý ra hoa nghịch vụ, so với cùng kỳ tăng 30%, đây là niềm vui chung cho các nhà vườn. Tuy nhiên, không phải nhà vườn nào thực hiện mô hình xử lý chôm chôm ra hoa nghịch vụ cũng đạt kết quả tốt, đây là nỗi lo chung của các nhà vườn, vì nó còn tùy thuộc vào thời tiết, cách theo dõi, cách chăm sóc. Phòng trừ ruồi đục trái chôm chôm Ruồi đục trái có tên khoa học Bactrocera dorsalis thuộc họ Trypetidae, bộ Diptera. Ruồi trưởng thành giống ruồi nhà nhưng nhỏ hơn, thân dài khoảng 6-7mm, sải cánh rộng 8-9mm. Ngực có ba vệt vàng xếp thành hình chữ U, bụng có hai vệt đen hình chữ T. Cánh trong suốt, mép cánh có sọc đen. Con cái cuối bụng có ống đẻ trứng dài và nhọn. Trứng hình hạt gạo, dài khoảng 1mm. Ấu trùng dạng dòi, không chân, đẩy sức dài khoảng 6-8mm, màu vàng nhạt, miệng có móc cứng. Nhộng dài 6-7mm, hình trứng, màu đỏ nâu. Ấu trùng đẩy sức búng mình xuống đất hóa nhộng. Vòng đời trung bình 20-30 ngày, trong đó thời gian trứng 2-3 ngày, ấu trùng 10-15 ngày, ruồi trưởng thành đẻ trứng 1-2 ngày sau khi vũ hóa và có thể sống trên 30 ngày. Ruồi trưởng thành hoạt động ban ngày, có khả năng bay xa. Ruồi cái dùng ống đẻ trứng chọc sâu vào vỏ trái chôm chôm đẻ một chùm từ 5-10 trứng. Vết chích rất nhỏ, nhưng có thể nhận ra nhờ những vết thâm trên vỏ trái, khi ấn nhẹ vào dịch nước sẽ rỉ ra (3 ngày sau khi ruồi đẻ trứng). Dòi nở ra ăn thịt trái, tuổi càng lớn dòi càng đục sâu vào phía trong làm trái bị thối và rụng. Bị hại nặng, trái rụng hàng loạt. Trong một trái có thể có nhiều con dòi. Trái chôm chôm bị dòi gây hại thường bị bệnh thối trái tấn công mạnh do vết chích của ruồi tạo vết thương cho nấm, vi khuẩn xâm nhập. Ruồi đục trái phá hại từ khi trái già gần chín đến chín. Trái để chín lâu trên cây càng bị hại nhiều hơn. Ruồi phát sinh gây hại quanh năm khi có trái chín.
* Biện pháp phòng trị: - Thu hoạch kịp thời, không để trái chín quá lâu trên cây; - Thường xuyên thu gom những trái bị rụng đem tiêu hủy (chôn sâu dưới đất có rải vôi bột để tiêu diệt hết trứng và dòi non) nhằm tránh lây lan. - Khi ruồi trưởng thành phát sinh, dùng thuốc dẫn dụ có chất Methyl Eugennol (Vizubon - D) để dẫn dụ và diệt ruồi đực hoặc sử dụng chế phẩm Sofri - Protein 10DD, phun mỗi cây khoảng 20-50ml bả mồi (tùy theo cây lớn hay cây nhỏ), chỉ phun thành đốm nhỏ dưới tán cây (không nên phun trực tiếp trên trái). Thời gian phun tốt nhất là từ 8-10 giờ sáng, tránh phun vào những ngày mưa, vì chế phẩm sẽ không có tác dụng hấp dẫn và diệt ruồi. - Không nên xịt thuốc hóa học trực tiếp lên trái để diệt dòi vì thường hiệu quả không cao và không đảm bảo an toàn cho người sử dụng. - Có thể tự làm bả bẩy ruồi bằng cách dùng miếng khóm hoặc cam quít chín có tẩm thuốc trừ sâu (có thể sử dụng thuốc có hoạt chất Fipronil) cho vào gáo dừa và treo trên cành cây. |